Huyện ở phía Tây Nam của tỉnh Cà Mau; Đông giáp huyện Cái Nước; Tây giáp vịnh Thái Lan; Nam giáp vịnh Thái Lan và huyện Năm Căn; Bắc giáp huyện Trần Văn Thời. Phú Tân nằm trên trục giao thông Đông – Tây của tỉnh Cà Mau, đầu nối với trục quốc lộ 1A Cà Mau – Năm Căn. Đồng thời, huyện còn nằm trong hành lang ven biển Tây vịnh Thái Lan, là vùng chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Cái Đôi Vàm và 8 xã: Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Phú Thuận, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái và Rạch Chèo.
Lịch sử
Huyện Phú Tân được thành lập ngày 29-12-1978, thuộc tỉnh Minh Hải, theo Nghị định số 326-CP của Hội đồng Bộ trưởng, gồm 16 xã và 1 thị trấn huyện lỵ. Tuy nhiên, trong Nghị định không ghi rõ tên xã và thị trấn, thực tế chỉ có 4 xã: Tân Hưng Tây, Việt Khái, Phú Mỹ A, Phú Mỹ B. Ngày 25-07-1979, địa giới hành chính huyện có sự điều chỉnh như sau:
- Tách đất xã Tân Hưng Tây lập xã Tân Hải
- Tách đất xã Việt Khái lập hai xã Việt Hùng, Việt Thắng
- Tách đất xã Phú Mỹ B lập hai xã Phú Hoà, Phú Hiệp
Ngày 28-03-1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 23/HĐBT, về việc phân vạch địa giới thị trấn và một số xã thuộc tỉnh Minh Hải. Nội dung như sau:
- Chia thị trấn Phú Tân thành hai đơn vị hành chính mới lấy tên là thị trấn Phú Tân và xã Tân Phong.
- Chia xã Tân Hải thành hai xã lấy tên là xã Tân Hải và xã Tân Nghiệp.
- Chia xã Việt Khái thành ba xã lấy tên là xã Việt Khái, xã Việt Dũng và xã Việt Cường.
Ngày 17-05-1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75/HĐBT, về việc phân vạch địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Minh Hải. Theo đó, sáp nhập huyện Cái Nước và huyện Phú Tân thành một huyện lấy tên là huyện Cái Nước. Huyện Cái Nước gồm các xã Cái Nước, Hiệp Hưng, Trần Thời, Tân Thới, Tân Hưng, Phong Hưng, Tân Hưng Đông, Hưng Mỹ, Bình Mỹ, Phú Lộc, Phú Hưng, Tân Hiệp, Đông Thới, Thanh Hưng, Thạch Phúc, Thạnh Trung, Lương Thế Tân, Hoà Mỹ, Tân Hải, Phú Hoà, Phú Hiệp, Việt Thắng, Việt Hùng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái, Phú Thuận, Phú Mỹ A, Phú Thành, Tân Nghiệp, Tân Phong, Việt Dũng, Việt Cường và thị trấn Phú Tân. Huyện lỵ đóng tại xã Cái Nước. Địa giới huyện Cái Nước ở phía đông giáp huyện Ngọc Hiển, phía tây giáp Vịnh Thái Lan, phía nam giáp huyện Năm Căn, phía bắc giáp thị xã Cà Mau.
Ngày 17-11-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP, về việc thành lập các huyện Năm Căn và Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập huyện Phú Tân trên cơ sở 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 nhân khẩu của huyện Cái Nước. Huyện Phú Tân có 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm. Địa giới hành chính huyện Phú Tân : Đông giáp huyện Cái Nước; Tây giáp biển Đông; Nam giáp huyện Năm Căn; Bắc giáp huyện Trần Văn Thời.
Ngày 23-11-2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 192/2004/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc các huyện Cái Nước và Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập xã Phú Thuận thuộc huyện Phú Tân trên cơ sở 3.925 ha diện tích tự nhiên và 11.359 nhân khẩu của xã Phú Mỹ, thành lập xã Rạch Chèo thuộc huyện Phú Tân trên cơ sở 4.450 ha diện tích tự nhiên và 9.998 nhân khẩu của xã Tân Hưng Tây. Huyện Phú Tân bao gồm thị trấn Cái Đôi Vàm và 8 xã: Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Phú Thuận, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái và Rạch Chèo như hiện nay.
Điều kiện tự nhiên
Huyện Phú Tân cũng như của toàn tỉnh Cà Mau, mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nhiệt độ cao quanh năm, nhiệt độ trung bình 26,9oC. Tháng 4 có nhiệt độ cao nhất, khoảng 27,6oC. Tháng giêng có nhiệt độ thấp nhất, khoảng 25oC. Một năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.200 mm.
Phú Tân tiếp giáp với vịnh Thái Lan nên phần lớn chịu tác động trực tiếp của chế độ nhật triều không đều của biển Tây. Thủy triều theo cửa sông Bảy Háp, cửa sông Cái Đôi Lớn, cửa kênh Công Nghiệp, cửa Mỹ Bình tràn vào nội đồng. Nguồn nước ngầm của huyện có chất lượng tốt, không bị nhiễm mặn, thuộc nhóm nước mềm, có hàm lượng kim loại nặng thấp và chưa bị ô nhiễm. Đây là điều kiện quan trọng trong việc phát triển kinh tế của huyện.
Là huyện đồng bằng ven biển, có địa hình thấp trũng, độ dốc bề mặt tương đối nhỏ, có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống phía Nam. Vì vậy, Phú Tân có sự chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, đất vườn sang nuôi tôm dưới dạng nuôi tôm chuyên, nuôi kết hợp trong mương liếp vườn, nuôi luân canh một vụ lúa.
Rừng ở huyện Phú Tân là rừng ngập mặn, được phân bố dọc theo ven biển với chiều dài 27 km. Rừng ngập mặn ven biển của huyện có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường và giúp cho nuôi thủy sản bền vững.
Thủy hải sản là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng của biển, khai thác hải sản đang là một trong những ngành kinh tế chủ lực của huyện. Phú Tân có điều kiện phát triển kinh tế nội địa, kinh tế biển và có điều kiện liên kết, phát triển với các địa phương khác trong tỉnh Cà Mau.
Kinh tế
Kinh tế huyện được phân chia theo mùa: Mùa khô thuận tiện cho nuôi tôm nước lợ, xây dựng giao thông và các công trình dân dụng, các hoạt động thể thao, văn hoá thông tin. Mùa mưa, lượng mưa cao, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, rau màu…
Phú Tân với đặc thù là huyện ven biển, cùng với lợi thế về khai thác biển, nghề nuôi trồng thủy sản trở thành thế mạnh chủ lực. Hiện nay nghề nuôi trồng thủy sản phát triển khá đa dạng với nhiều loại hình như: chuyên nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, cải tiến năng suất cao, nuôi tôm công nghiệp hay mô hình vườn – tôm, lúa – tôm, rừng – tôm…
Năm 2008, nông dân huyện Phú Tân gieo cấy 1.521 ha lúa trên đất nuôi tôm. Lúa phát triển tốt và có khả năng cho năng suất cao. Riêng mô hình sản xuất ở khu khép kín, thuộc ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ đem lại hiệu quả cao, năng suất từ 15 – 20 giạ một công, có hộ đạt từ 20 – 25 giạ một công. Năm 2008 được xem là năm thực hiện một vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất từ khi huyện Phú Tân tái lập đến nay.
Năm 2009, Phú Tân có khoảng 5.400 ha rừng, trong đó có hơn 4.500 ha sản xuất theo mô hình rừng – tôm kết hợp. Diện tích này tập trung phần lớn ở các xã có rừng và ven biển như: Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo, Phú Tân, Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm. Hiện Phú Tân đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng bảo vệ nghiêm ngặt 70% diện tích rừng, 30% diện tích còn lại dành cho nuôi tôm. Theo đó, hơn 90% diện tích đất sản xuất đều được nuôi xen canh tôm – cua – cá và một số loài khác dưới tán rừng như: ốc len, sò huyết
Định hướng phát triển mô hình rừng – tôm trong thời gian tới, huyện Phú Tân chỉ đạo phát động nhân dân nuôi xen canh tôm, cá nước mặn kết hợp nuôi sò, ốc len theo hướng đa con. Tận dụng diện tích bờ bao để trồng hoa màu tăng thu nhập. Hiện nay, mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá. Huyện đã quy hoạch vùng nuôi ốc len dưới tán rừng được hơn 70 ha, tập trung ở thị trấn Cái Đôi Vàm và xã Nguyễn Việt Khái. Người trong nghề cho biết, ốc len dễ nuôi, thu gom giống tự nhiên, thời gian thả nuôi khoảng 8 tháng, không cần cho ăn, chỉ canh giữ không cho thất thoát, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/ha, lời khoảng 50%. Cùng với nuôi ốc len, mô hình nuôi sò huyết dưới chân rừng, trong đầm nuôi tôm cũng manh nha xuất hiện. Đây là điều kiện để bà con nhân dân nơi đây nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Quan trọng hơn là từng bước khôi phục tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Phú Tân.
Năm 2008, một số hộ dân ven biển huyện Phú Tân đã bắt đầu nuôi cá nước ngọt trên vùng đất mặn ven biển, tận dụng nguồn thức ăn rẻ là cá vụn – phế phẩm của nghề khai thác biển – chỉ hơn 1.000 đồng/kg. Hồ nuôi chỉ cần đào rộng trên 200 m2. Nếu nền hồ nuôi thấp hơn mực nước biển, thì lót cao su tránh thẩm thấu nước mặn. Nếu đáy hồ nuôi cao hơn mực nước biển, thì chỉ cần xử lý nền để giữ nước. Nước được bơm từ cây nước khoan, sạch và hoàn toàn chủ động việc điều hoà.
Sáu tháng đầu năm 2009, huyện Phú Tân có tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 19 tỷ 442 triệu đồng, bằng 41,37% chỉ tiêu pháp lệnh cả năm. Bao gồm các nguồn thu chủ yếu như: thuế công thương nghiệp 17 tỷ đồng, các nguồn thu khác hơn 1 tỷ đồng, thuế nhà đất 442,4 triệu đồng, thuế trước bạ 427 triệu đồng… Theo đó, có 9/9 xã, thị trấn thu đạt và vượt chỉ tiêu quý II và đạt trên 54% chỉ tiêu cả năm. Tiến độ thu ngân sách thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Tân còn chậm nên chưa đạt kế hoạch đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Để đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân thành lập Ban Chỉ đạo thu ngân sách của huyện.
Năm 2009, huyện Phú Tân ưu tiên hoàn thiện dự án chuyển đổi khai thác biển, tập trung đánh bắt xa bờ; đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động làm nghề khai thác biển kém hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất đánh bắt ven bờ, hủy hoại môi trường, nguồn lợi thủy sản; quy hoạch và đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp, đầu tư xây dựng giao thông nông thôn gắn với củng cố văn hoá – xã hội, nâng cao xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa.
Nguồn: mobile.coviet.vn