Trong khi cả thế giới hoạn nạn vì đại dịch Covid-19 thì chúng ta đã vượt qua một cách an toàn, đặt nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng của Việt Nam lên một vị trí cao nhất.
Trong tháng 5 bước qua tháng 6-2020, giá gạo trên thị trường quốc tế liên tục tăng vì Chính phủ Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, trong khi nguồn từ Thái Lan thiếu hụt do hạn hán gây hại cho trà lúa cao sản (gạo trắng) khiến giảm gần 2 triệu tấn, đẩy giá gạo lên cao hơn 500 USD/tấn.
Nguồn gạo Campuchia và Myanmar phần lớn là lúa mùa năng suất thấp nên không có bao nhiêu để xuất khẩu.
Chỉ còn lại Việt Nam – chủ yếu là ĐBSCL – không những còn gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà dư thừa để xuất khẩu.
Trong khi cả thế giới hoạn nạn vì đại dịch Covid-19 thì chúng ta đã vượt qua một cách an toàn, đặt nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng của Việt Nam lên một vị trí cao nhất.
Bởi lẽ trong lúc các nước bị dịch bệnh cản trở trong sản xuất lúa gạo thì nông dân Việt Nam vẫn ung dung gieo trồng lúa, gặt lúa, rồi lại tiếp tục chu kỳ trồng lúa khác khắp ĐBSCL để cung cấp lương thực cho mọi người.
Ngoài châu Á, triển vọng xuất khẩu gạo sang châu Phi cũng rất lớn. Các thương lái của Ấn Độ, Bỉ, Hà Lan và Pháp sẽ hoạt động trở lại sau đại dịch để mua gạo Việt bán sang châu Phi.
Ngoài ra, các giống lúa của Việt Nam thời gian qua đã được cải tiến với chất lượng ngon hơn, dẻo và thơm hơn – gần bằng chất lượng của gạo thơm Thái Lan.
Nhưng gạo thơm Thái Lan, Campuchia và Myanmar chỉ trồng được 1 vụ/năm thì gạo thơm của Việt Nam trồng được đến 2-3 vụ/năm mà năng suất mỗi vụ đều cao hơn gạo thơm Thái Lan.
Chúng ta có thể tìm thêm khách hàng ăn gạo thơm từ các thị trường như Hong Kong, Malaysia, Singapore, các nước Trung Đông nếu chào hàng họ với giá thấp hơn Thái Lan một ít.
Tại sao chúng ta có thể làm được như thế? Hệ thống sản xuất gạo của ĐBSCL là một hệ thống được các chuyên gia tính toán một cách an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Vùng an ninh nhất cho cây lúa của chúng ta có thể trồng 3 vụ/năm luôn đầy đủ nước ngọt và không hề bị nước mặn xâm nhập, đó là vùng tiếp giáp với Campuchia có hệ thống kênh lớn, sâu và rộng lấy nước trực tiếp từ sông Tiền và sông Hậu, trải dài từ An Giang qua Đồng Tháp, bắc Long An, bắc Tiền Giang, một phần của Cần Thơ, Kiên Giang.
Còn lại các vùng khác có thể bị ảnh hưởng hạn – mặn, nếu có mưa đều thì trồng một vụ lúa hè thu hoặc thêm một vụ đông xuân sớm.
Không những chỉ sản xuất trên đất nước Việt Nam, chúng tôi cũng đã tổ chức cho các nước Sudan, Mozambique, Rwanda và Burundi… hướng dẫn cho nông dân họ trồng lúa kiểu miền Tây Nam Bộ.
Hiện chúng tôi đã được mời sang Ghana, Ivory Coast và Mali để hướng dẫn nông dân trồng lúa khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi ở châu Phi.